Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Họa sĩ NGUYỄN TRUNG (1940)

Giáo sư, Trường Cao đẳng Mỹ thuật SAIGON - trước 1975


IMPRESSIONISM - EXPRESSIONIST/ 
TRƯỜNG PHÁI BIỂU HIỆN - ẤN TƯỢNG

 




IMPRESSIONISM - EXPRESSIONIST/ TRƯƠNG PHÁI BIỂU HIỆN - ẤN TƯỢNG
(KHUYNH HƯỚNG THEO DANH HOẠ MODIGLIANI VÀ PAUL KLEE)


Christies Shanghai : NGUYỄN TRUNG (vietnamese, B. 1940)
Repose in the Garden of Delight. Estimate CNY 70,000 - CNY 100,000 (10.604 - 15.148 USD)




Tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM  tranh vẽ năm 1961
Tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM 









Nguyễn Trung - Để Đi Đến Xám Trắng Đen Đã Là …
Họa sĩ Đinh Cường

Ao  , 2010 , acrylic , house paint , pencil
and oil stick on canvas 180 x 180 cm

Xám trắng đen là tên cuộc triển lãm tranh Nguyễn Trung tại Galerie Quỳnh nơi chuyên bày tranh trừu tượng và nghệ thuật xếp đặt của những họa sĩ tiên phong, nổi tiếng ở đường Đề Thám, Sài Gòn từ 9.12 .2010 đến 26.2.2011. Với 19 bức tranh trừu tượng khổ lớn, nhưng theo Lý Đợi: “ Dự kiến treo 19, nhưng chỉ treo 12 tác phẩm, khổ lớn, từ 100x100 cm trở lên, phòng tranh Quỳnh trên lầu và duới đất đã kín vách… Theo chủ quan, triển lãm này đáng chú ý, không phải vì đã có 3 tác phẩm được bán ( hôm khai mạc, giá tranh từ 20.000 us đến 30.000 us một bức , chú thích của DC)mà vì nó có thể mang đến cho người xem mấy cách nhìn khác nhau: thích, không thích, hoặc băn khoăn… Cuối cùng, khi đứng ngoài sự thích, không thích, hoặc băn khoăn, xét về lịch sử và tiến trình hội họa, tôi vẫn cho rằng Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ đáng nể của Việt Nam” (Mấy cách nhìn về Nguyễn Trung vanchuongviet.org). Không về xem được tận mắt, nơi xa này tôi vẫn theo dõi tin tức, bởi vì theo tôi đây là cuộc triển lãm đáng chú ý nhất của người bạn mà tôi đã được biết qua mấy chặng đường anh đã đi trong hội họa.



Ac , 2010 , acrylic, house paint, pencil and oil stick
on canvas 180 x 180 cm

Và nhân có anh chị bạn về đúng dịp, tôi nói anh chị thế nào cũng phải ghé xem phòng tranh rất đáng để xem này. Khi anh chị về lại Virginia tôi hỏi cho biết ý kiến, Ben nói : “I love the simplicity and clarity of his work “ -tôi yêu nét đơn giản và trong sáng trong những tác phẩm cuả anh ấy –
( Ben là tên bạn bè thường gọi của Dr.Sharp, tiến sĩ vật lý, chuyên về âm thanh hàng không, nghiên cứu ảnh hưởng của âm thanh phát từ các máy bay phản lực với sinh hoạt của người thành phố, tại miền quê, ảnh hưởng của máy bay phản lực với mức tăng trưởng và sinh sản của thú vật ở nông trại hoặc ở vùng hoang dã) -  vài hàng về Ben là để thấy một người đã quen với cái nhìn không gian trắng tinh khiết khi xem cái không gian trong tranh Nguyễn Trung, một không gian của sự chắt lọc để không còn …     tiếng động của xanh đỏ tím vàng trông choá mắt mà đôi khi chẳng làm ta xúc động.


Một góc Galerie Quỳnh (ảnh Hoà Bình )

Tranh Nguyễn Trung từ bao giờ cũng làm tôi xúc động bởi tình yêu tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Từ thời hai mươi tuổi Nguyễn Trung đã phát biểu:” Hội họa sẽ hi vọng có cuộc sống thực (kịp thời và đầy đủ) với điều kiện là phải cố tránh những hành động vô tình cản trở sự khai sinh của nó (vô ý thức, hủ lậu, kênh kiệu) bằng cách phải yêu cho thật tình, như chính ý nghĩa của cuộc sáng Thượng Đế,, như chính ý nghĩa Yêu đối với người con gái vậy.” (cuộc phỏng vấn về Quan niệm Hội Họa do Nguiễn–Ngu-Í phụ trách. Bách Khoa số 138 ngày 1.10.62). Tôi thấy anh Yêu thật tình con đường nghệ thuật mà anh đã chọn lựa, im lặng, miệt mài làm việc, luôn hướng đến một dấu mốc mới. Từ vẽ chất liệu tổng hợp trên chiếu (gallery Vĩnh Lợi, Feb.1999 – Presents 9 contemporary Vietnamese Painters from Hochiminh City: Nguyen Trung – Buu Chi – Do hoang Tuong - Ho huu Thu – Hua thanh Binh – Le Vuong –  Nguyen lam – Nguyen tan Cuong – Tran van Thao). Anh còn được xem là người nhen nhóm ngọn lửa sáng tạo cho các hoạ sĩ trẻ trong nhóm. Cũng như ngày xưa được bạn bè bầu làm chủ tịch Hội Hoạ Sĩ Trẻ kế tiếp chủ tịch đầu tiên  Nguyễn cao Nguyên (Ngy Cao Uyên, hiện ở Washington DC) và chủ tịch sau cùng là Mai Chửng (đã mất  vào tháng 9 năm 2001 tại Dallas,Texas). Hội Hoạ Sĩ Trẻ thành lập năm 1966 tại Sài Gòn hoạt động cho đến năm 1974 …’’có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sằc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây …” ( Huỳnh Hữu Uỷ - Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 133, VAALA. California 2008)      


(Trang đầu vựng tập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1966 )

Đến cuộc triển lãm tại gallery Tràng An Hà Nội tháng 12-1999, tiếng vang của tranh trừu tượng Nguyễn Trung thật nồng nàn, như tiếng chuông đưọc lan xa từ một chuông đồng quý - như chiếc chuông đồng chùa Thiên Mụ, làm nhớ Nhã Ca, nguời bạn thi sĩ thân nhất của anh:

…  ’’Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới …”
(Tiếng chuông Thiên Mụ - Nhã Ca Thơ , trang 27 - Vietbook, USA 1999)


Nhã Ca, bút chì
Nguyễn Trung 1964

Tháng mười năm 2005, Nguyễn Trung qua New York nhân có cuộc bày tranh do bà Judith Hughes Day tổ chức, sau đó anh đã ở lại Texas trong vòng 3 tháng để vẽ và có cuộc bày tranh tại Việt Báo của Trần dạ Từ - Nhã Ca, một triển lãm đáng ghi nhớ trong lòng bạn bè và những người yêu hội hoạ, yêu tranh anh tại California, được dịp cùng anh hát vang trong chiều khai mạc …


Trần dạ Từ -Nguyễn Trung cùng hát
chiều khai mạc triển lãm tranh Nguyễn Trung tại Việt Báo 21.1.2006

Trên Việt Báo Xuân 2006, California, có bài phỏng vấn Nguyễn Trung của Sông Văn khá dài thật thú vị, xin trích ra đây một, hai trong rất nhiều câu hỏi …

SV: Và ông cảm giác thế nào về sự khác biệt (khi làm việc) giữa Figurative Art & Abstract Art ?
NT: Xin lưu ý một điều, bởi vì tôi đã chuyển bước từ figurative sang abstract mà không phải vì thế mà abstract là hiện đại hơn Figurative, một khuynh hướng nghệ thuật vẫn còn tiếp tục phát triển một cách đa dạng. Vậy thì vì sao tôi chọn abtract, vì sao nó thích hợp với tôi hơn là cái kia ?
Là bởi vì với nó, tôi có thể nói lời thô mộc giản dị mà không phải bóng bẩy rườm rà, trực tiếp mạnh mẽ mà không phải vòng vo tiểu xảo .Với nó tôi có thể đưa ra những hình ảnh sâu xa từ vô thức chứ không phải hình ảnh bên ngoài, nhiều màu sắc. Nói chung, một đàng là cái đẹp ngoại hình, có tính cách trang trí nhiều, một đàng là cái đẹp nội giới có thể chiêm nghiệm về lâu.

SV: Hội họa có ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng của ông không?    
NT: Rất nhiều, rất nhiều! Hay nói cách khác chính xác hơn, hội hoạ chính là đời sống của tôi và ngược lại. Không có nó tôi không biết làm gì. Không có nó không biết sống bằng gì, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vật chất lẫn tinh thần.


Gia đình chài cá , sơn dầu trên bố 137 x 177 cm
Nguyễn Trung  1980

Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu ), những năm tám mươi trông coi tờ Mỹ Thuật cùng Ca Lê Thắng, Nguyễn trọng Chức … Anh còn dịch Thiền của Suzuki rất sớm.


Bìa báo Văn Nghệ, tranh Nguyễn Trung, 1961

‘’… có lẽ là một trong những hoạ sĩ có nhiều cá tính , tài năng và trí tuệ bậc nhất của giai đoạn vừa qua …” ( Huỳnh Hữu Uỷ -NTTHVNHĐ trang 222).

Thật vậy, từ những dessins tài hoa đến những tranh thiếu nữ một thời là thứ ánh sáng như âm bản, anh có quyền buông thả hết để hôm nay chỉ vẽ như không vẽ mà thấy vẫn là những tác phẩm nghệ thuật đạt mức thượng thừa, hay nói như Nguyễn Thuyên: “Ông giống như một võ sư đã ra chiêu suốt đời rồi, bây giờ chỉ cần một động tác thật nhẹ cũng tạo nên một kình lực .”
( DNSG CUỐI TUẦN .17.2.2010 )


Café buổi sáng, sơn dầu trên bố 800x100 cm, Nguyễn Trung 1962
(coll. of Mr. & Mrs. John T. Bennett Marinka, AlexandriaVirginia)
       
Những họa sĩ bậc thầy hiện đại mà Nguyễn Trung yêu thích như Cy Twombly, Rothko, Barnett Newman, Antoni Tàpies … những người mà anh thấy là có quá trình làm việc và tự vượt hơn người, “Tôi nghĩ họ phải vô cùng can đảm, đam mê, ý chí của họ mạnh mẽ để theo đuổi con đườngmình đi. Tâm hồn của họ thật thanh cao, cô đơn, tịch mịch.”
(Nguyễn Trung  California 2006, Sông Văn -  Việt Báo Xuân )


Đinh Cường -Nguyễn Trung ,Virginia 2005

Tôi vẫn luôn nhớ một buổi chiều, năm ngoái khi về Sài Gòn, Nguyễn Trung hẹn tôi ở quán Annam Gourmet góc Hai Bà Trưng – Đông Du uống hai chai chát đỏ ngon …bạn gọi tôi là cố tri, và nhắc đến mùa tuyết lớn Virginia. Trong tuyết trắng xoá chiều nay, năm nay, tôi nhớ bạn vô cùng. Mong sao sẽ có một triển lãm retrospective Nguyễn Trung tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam như triển lãm của Soulages ở Centre Pompidou,Paris cách đây hai năm. Để thấy một Nguyễn Trung với :

…cái đẹp thần ziệu mà anh mang nặng
cái thiên đàng huyền ẩn của tiềm thức
Để trên thế giới này không còn gì nưã
đã hé mở và thoáng hiện
một chân trời thanh khiết sau cùng của đời mình .
(Huyền Thoại gửi Nguyễn Trung –Nuages Mây – thơ Ngô văn Tao, trang 185 .Montréal 88 )


Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm  (Sài Gòn 2010)

Nguyễn Trung đã là một trong vài ba nghệ sĩ lớn của miền Nam (là sản phẩm của miền Nam -chữ của Đặng Tiến ), xuất sắc nhất của mỹ thuật đương đại Việt Nam ./.

Virginia 8 Feb. 2011
Đinh Cường
 


Từ bỏ chủ nghĩa cá nhân chật hẹp...
SGTT.VN - Ngày 26.10, tại gallery Việt Art, Houston, Texas, các cựu thành viên hội Hoạ sĩ trẻ Việt Nam (1966 – 1975) sẽ có cuộc triển lãm chung, như một cuộc tái ngộ của tình bạn và nghệ thuật. Các hoạ sĩ đến từ Việt Nam gồm Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung sẽ gặp gỡ những người bạn cố tri đang sống tại Mỹ: Ðinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyên Khai... Có thể thấy rõ chất trẻ, sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật đã trở thành điểm sáng xuyên suốt quá trình nghệ thuật của họ qua bao thăng trầm, giúp họ trở thành những tên tuổi nổi bật của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.


Hội Hoạ sĩ trẻ Việt Nam ra đời tại Sài Gòn tháng 11.1966, từ sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, một trí thức yêu hội hoạ. Sau hoạ sĩ Ngy Cao Uyên (Nguyễn Cao Nguyên) làm chủ tịch lâm thời năm đầu tiên, hoạ sĩ Nguyễn Trung được nhóm tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội những năm kế. Bên cạnh ông là Mai Chững, phó chủ tịch nội vụ và hoạ sĩ Trịnh Cung, phó chủ tịch ngoại vụ. Không giống các hội khác “càng đông càng vui”, ngay từ đầu, nhóm chủ trương chỉ chọn người thực tài và sớm có ý thức về hội hoạ hiện đại. Hầu hết thành viên trong nhóm đều đoạt những giải thưởng hội hoạ lớn trong nước lúc đó. Bằng những triển lãm thường niên trong và ngoài nước, nhóm đã bày tỏ quan điểm của mình, đó là hài hoà giữa kỹ thuật phương Tây hiện đại và tinh thần phương Đông đậm đặc bản sắc.
Có lẽ hiếm một hội nghề nghiệp nào mà tinh thần tự do, sự phản kháng trước thực tại và sự tự phê bình được thể hiện rõ ngay trong bản tuyên ngôn như hội Hoạ sĩ trẻ. Bản tuyên ngôn lần thứ nhất có đoạn: “Vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, vì sự thiếu sót những cơ cấu sinh hoạt và nhất là sự chia rẽ giữa những hoạ sĩ, hội hoạ miền Nam Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Hiện tượng hoạ phẩm mang nặng tính thương mại tràn ngập thị trường, phòng triển lãm do chính phủ kiểm soát. Thị trường thiếu hụt chất liệu và dụng cụ hội hoạ, gây nên bởi hành động khuynh loát của một nhóm con buôn nghệ thuật, thái độ lạnh nhạt dửng dưng của các hoạ sĩ với nhau, tất cả cản trở rất nhiều bước tiến của người làm hội hoạ, gây không ít hiểu lầm về tư cách và giá trị của hoạ sĩ Việt Nam. Đó là những triệu chứng báo trước một cuộc suy đồi cần được chặn đứng…” Bản tuyên ngôn lần thứ hai thực sự đụng chạm vào những vấn đề cốt tử của hội hoạ, kêu gọi sự tỉnh thức, sự quay về, để có một tiếng nói riêng: “Từ bỏ chủ nghĩa buông thả, chủ nghĩa cá nhân chật hẹp, giải thoát tư tưởng khỏi phòng vẽ tù túng để cùng sống cái sức sống Việt Nam”, “theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật tân kỳ nhất, ở gần chúng ta nhất: khuynh hướng đã có sẵn ngay trong lòng chúng ta, ngay trong lòng quần chúng Việt Nam”.
Nhớ về những năm tháng đầy kỷ niệm, hoạ sĩ Nguyễn Trung kể: “Hội Hoạ sĩ trẻ trước tiên là hội của tình bạn, cho đến giờ vẫn tồn tại tình bạn đó. Tôi nhớ hoạ sĩ Nguyễn Lâm thiệt thà, mỗi lần họp anh đều làm đồ nhậu rất ngon cho cả nhóm. Lúc ấy, Nguyễn Phước là người làm tranh trừu tượng sớm nhất, tôi cũng thử nghiệm làm tranh trừu tượng nhưng thấy chưa được. Làm tranh trừu tượng là một sự hy sinh lớn, vì khó có ai dám bỏ nhiều tiền mua loại tranh này. Cũng có người nói tôi sao không vẽ bình thường dễ bán hơn, tìm tòi cái này cái khác làm chi. Xã hội luôn đè bẹp người ta bằng những thành kiến, không muốn có gì đổi mới. Những thành viên trong hội đến gần được với nhau chỉ duy nhất nhờ tinh thần sáng tạo. Làm việc trong sự tìm tòi, đưa thành quả sáng tạo của mình cho nhau coi, rồi giới thiệu cùng công chúng thấy vui hơn nhiều. Hội viên chỉ đếm trên đầu ngón tay, vật chất nghèo nàn, nhưng quy tụ được nhiều người tài, mỗi người đều có sự tươi mát riêng, hé lộ sự xích gần với nghệ thuật hiện đại. Nhìn tranh là biết người nào có tương lai. Trong nghệ thuật có sự may mắn, nhưng để mỗi người có một con đường riêng, cần trì chí đam mê, kiên trì học tập và tự do tuyệt đối. Tôi nghĩ mỗi thành viên trong hội Hoạ sĩ trẻ đã tồn tại và hôm nay được gặp lại nhau cũng là nhờ tinh thần ấy”.
Hương Xuân

Thứ Tư, 17/10/2012, 06:14 (GMT+7)


Họa sĩ kỳ cựu hội ngộ trên đất Mỹ
TT - Các họa sĩ đến từ Việt Nam gồm Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung cùng các họa sĩ đang sống tại Mỹ như Ðinh Cường, Nguyễn Phước, Nguyên Khai sẽ có cuộc triển lãm chung tại gallery Việt Art (Houston, Texas) từ ngày 26 đến 30-10.
Thiếu nữ - tranh sơn dầu dự triển lãm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ

Triển lãm này như một sự hội ngộ dành cho các cựu thành viên Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn (1966-1975) mà đến nay đều ở độ tuổi U.70. Trước năm 1975, Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn là tổ chức tư nhân hội tụ những họa sĩ tiêu biểu nhất của miền Nam (từng đoạt huy chương vàng, bạc, đồng... ở các giải thưởng hội họa). Hiện đa số họa sĩ trong hội này vẫn là những tên tuổi nổi tiếng và tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam.
Lúc đầu họa sĩ Ðỗ Quang Em - một cựu thành viên khác  - cũng nhận được lời mời tham dự triển lãm. Tuy nhiên, vì mức độ “hot” của tranh ông trên thị trường nên giờ chót Ðỗ Quang Em đành lỡ hẹn vì... không còn tranh để triển lãm.
Q.TH

Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn ngày ấy...
Thứ Hai, 22/10/2012 08:04 (GMT+7)
Nhóm tám họa sĩ là thành viên Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn năm xưa sẽ có một cuộc hội ngộ tại Houston, bang Texas (Mỹ) vào hạ tuần tháng 10 này, và đây rất có thể là triển lãm chung cuối cùng của họ.Nhóm tám họa sĩ là thành viên Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn năm xưa sẽ có một cuộc hội ngộ tại Houston, bang Texas (Mỹ) vào hạ tuần tháng 10 này, và đây rất có thể là triển lãm chung cuối cùng của họ.
Chim thiên di - sơn dầu - Nguyễn Phước
Tính từ cuộc triển lãm chung – cũng thật hiếm hoi từ sau năm 1975 – của một số thành viên Hội Họa sĩ trẻ tại gallery Vĩnh Lợi vào tháng 10/2001 đến lần gặp gỡ này thì quãng thời gian đã trên mười năm.
Bây giờ những tên tuổi ấy đã bước qua ngưỡng bảy mươi, người còn kẻ mất, người sống trong nước kẻ định cư xa xứ, nên cái dự cảm “cuối cùng” về cuộc hội ngộ này cũng chẳng hề là bi quan hay u ám. Dẫu vậy, phần lớn các thành viên của Hội Họa sĩ trẻ vẫn không ngừng làm việc, vẫn có các triển lãm chung cũng như riêng trong và ngoài nước.
U - acrylic, sơn công nghệp và chì trên bố - Nguyễn Trung
Nhớ lại thuở khai sinh tổ chức mỹ thuật đầu tiên của miền Nam vào tháng 11/1966 mà nhiều thành viên sáng lập như Nguyễn Trung, Mai Chửng, Nguyên Khai, Nguyễn Phước, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm và Cù Nguyễn thuở ấy đều còn rất trẻ, nhưng chính sự ra đời cùng với hoạt động của hội trong chưa đầy một thập niên đã để lại dấu ấn quan trọng bậc nhất trong đời sống mỹ thuật ở miền Nam trước 1975.
Lần gặp gỡ này có Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em (trong nước), Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Phước (ở Mỹ). Tổ chức cuộc triển lãm là gallery Việt Art ở Houston và dự kiến triển lãm sẽ kéo dài khoảng một tháng.
Thời gian để lại gì phía sau - chất liệu tổng hợp - Nguyên Khai
Một vựng tập triển lãm được in ấn trang trọng với lời đề từ của nhà thơ Tô Thùy Yên, một người bạn thân tình với Hội Họa sĩ trẻ vào cái thời mà theo ông “chúng tôi hẳn nhiên đều còn rất trẻ, và nhờ những run rủi tuyệt vời nào đó của định mệnh, chúng tôi đã gặp gỡ và kết bạn với nhau vì lẽ chúng tôi cùng tin tưởng sắt đá rằng có một liên hệ ảnh hưởng hỗ tương giữa các bộ môn nghệ thuật với nhau, chứ không tách biệt như thoạt nhìn thấy, cũng như có sự hiện diện chắc chắn ở đâu đó của một siêu thế giới vĩnh hằng của Cái Đẹp”.
Ẩn dụ 1 - sơn dầu - Trịnh Cung
Tám tác giả là tám thế giới riêng biệt với nhiều ngôn ngữ tạo hình. Hội họa trừu tượng của Nguyễn Trung đã đi tới sự tối giản cả về màu và hình, thậm chí cả cái tên tranh chỉ còn những mẫu tự u ơ.
Nguyễn Lâm là một đại diện xuất sắc của sơn mài trừu tượng mà ông đã theo đuổi từ nhiều thập niên qua, tranh ông đều là những bố cục màu sắc chặt chẽ.
Hồ Hữu Thủ cũng là một tên tuổi lớn của sơn mài hiện đại phía Nam, nhưng ở lần gặp gỡ này ông mang theo mấy bức sơn dầu với màu sắc và cách tạo hình mà như Nguyễn Trung từng viết: “Làm ta liên tưởng đến không khí cung đình của một thời đại hoàng kim, hoặc chuyện tình hạnh phúc trong một huyền thoại nào đó”.
Manhattan - sơn dầu - Đinh Cường
Tranh trừu tượng Trịnh Cung đầy sức biểu cảm, màu đẹp, óng chuốt và tươi mới dù ông cho biết thời gian qua đã ngừng vẽ một thời gian khá dài. Nguyễn Phước, người lặng lẽ nhất trong Hội Họa sĩ trẻ mang tới phòng tranh một không khí huyền hoặc, gần gũi với siêu thực qua những bức như Linh hồn tôi sẽ về đâu, Chim thiên diBiển yên lặng

Tranh Đinh Cường vừa trừu tượng, vừa biểu hình nhưng dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ nào chăng nữa thì người yêu mến anh vẫn nhận ra một Đinh Cường thật đằm thắm và nhân hậu, một nghệ sĩ mến yêu cuộc sống và cái đẹp vĩnh hằng như ông thổ lộ: “Tôi đã vẽ từ thuở thanh xuân cho đến nay tuổi đã già, qua nhiều hoàn cảnh và nơi chốn vẫn với tất cả tấm lòng thành. Tôi cũng thấy mình còn may mắn và hạnh phúc…”.
 Trừu tượng 2 - sơn mài - Nguyễn Lâm
Họa sĩ Nguyên Khai vào tháng 6/2010 đã có cuộc triển lãm lớn tổ chức tại khu Westminter để kỷ niệm nửa thế kỷ sống với nghệ thuật tạo hình, đã kinh qua nhiều trường phái và thể nghiệm nhiều chất liệu khác nhau, chẳng hạn như hai tác phẩm Thời gian để lại gì phía sau và Network tại triển lãm này.
Trong sách Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy (xuất bản tại California, 2008), trong chương viết về “Nhóm nghệ thuật tiền phong của Sài Gòn trước 3/4/1975”, tác giả nhận định: “Đề cập đến nghệ thuật tạo hình Sài Gòn của những năm 1960 và 1970, trên bối cảnh chung là tất cả nền nghệ thuật có từ trước cùng với lớp họa sĩ đứng tuổi, kỳ cựu, phải nhắc đến những nghệ sĩ, điêu khắc gia quy tụ chung quanh Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam, có thể nhìn nhận họ là những đại biểu đặc sắc nhất của một giai đoạn lịch sử mỹ thuật của Sài Gòn và miền Nam trước đây…”.
Thiếu nữ bên hoa - sơn dầu - Hồ Hữu Thủ
P.V/DNSGCT



Nguyễn Quốc Tuấn (tư liệu - ảnh internet, facebook.com)

10 nhận xét:

Lê Luận nói...

họa sĩ Nguyễn Trung không phải là Giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật SàiGon.Xin đính chánh lại ..
Cám ơn,

truongvegiadinh.blogspot.com nói...

Họa sĩ NGUYỄN TRUNG, dựa theo quyển Kỷ yếu 80 năm Trường Vẽ 1913 – 1993; DANH SÁCH GIÁO SƯ ĐÃ THAM GIA GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT SÀI GÒN (1954 – 1975): trang 69, số thứ tự 57. Xem danh sách liên kết trang blog (phía trên đầu tiên bên trái) “kyyeu 80nam1913-1993. Chân thành cảm ơn anh Luan lethanh, đã góp ý.

Lê Luận nói...

Năm 1972, tôi học năm 1 trường CDMT Gia dinh, đến tháng 4-75, tôi nghỉ học về làm ruộng tại ĐàLat.
Trong thời gian này, từ 72 đến 75, dĩ nhiên đã quen rất nhiều họa sĩ trẻ SG như NgTrung,Đinh Cường,...trong số đó chỉ có Đỗ Quang Em là thầy dạy tôi niên khóa 73-74. Nguyễn Trung là một họa sĩ có tài, lại nghỉ học giữa chừng thì làm sao có thể là GIÁO SƯ được...
Lê Thanh Luận ( U.62 )

Lê Luận nói...

Vừa rồi tôi có rà lại danh sách GS CDMT thì được biết đó là Nguyễn Văn Trung chứ không phải Nguyễn Trung. Anh xem lại và đính chính...
Dù sao, tôi rất trân trọng việc làm của anh về xây dựng Blog này. Qua blob được nhìn thấy bạn bè cũ như HM10, Kim Tố, .v.v nhớ vô cùng...
LTL

truongvegiadinh.blogspot.com nói...

06/02/2013 (26 tháng Chạp, năm Nhâm Thìn)
Kính gởi anh Lê Thanh Luận
- Năm 1972, tôi học năm 1 trường CĐMT Gia Định, đến tháng 4-75, tôi nghỉ học về làm ruộng tại Đà Lạt. Trong thời gian này, từ 72 đến 75, dĩ nhiên đã quen rất nhiều họa sĩ trẻ SG như Ng. Trung, Đinh Cường,...trong số đó chỉ có Đỗ Quang Em là thầy dạy tôi niên khóa 73-74. Nguyễn Trung là một họa sĩ có tài, lại nghỉ học giữa chừng thì làm sao có thể là GIÁO SƯ được... Lê Thanh Luận

Sở dĩ họa sĩ Nguyễn Trung (tức là Nguyễn Thành Trung) (1940) dạy tại trường Cao đẳng mỹ thuật Sài Gòn:
Năm 1973 ông Bùi văn Kỉnh – Giám đốc trường CĐMTcó đến Hội Họa sĩ trẻ (trong khuôn viện Thư viện quốc gia) mời các vị trong nhóm về dạy sáng tác, trong đó có họa sĩ Nguyễn Trung là Chuyên viên Họa sĩ có tài, tuy chưa có bằng cấp học bỏ dở dang (như anh đã nói trong thơ).
1./ Họa sĩ Đỗ Quang Em; dạy Hình họa (Académie) (dạy ở tầng trệt lớp anh học)
2./ Họa sĩ Hồ Hữu Thủ; dạy Sơn Mài (Lacquer) (dạy trên lầu)
3./ Họa sĩ Nguyễn Phước; dạy Hội họa (dạy trên lầu)
4./ Họa sĩ Nghuyễn Trung; dạy Sáng tác sơn dầu (dạy trên lầu)

- Vừa rồi tôi có rà lại danh sách GS CDMT thì được biết đó là Nguyễn Văn Trung chứ không phải Nguyễn Trung. Anh xem lại và đính chính... Dù sao, tôi rất trân trọng việc làm của anh về xây dựng Blog này. Qua blob được nhìn thấy bạn bè cũ như HM10, Kim Tố, .v.v nhớ vô cùng...

Anh Luận lại nhầm với Họa sĩ Nguyễn Văn Trung (1937) dạy tại trường CĐMT từ năm 1962 – 1963 về sơn mài; nếu cần sẽ cho số điện thoại của các vị là Họa sĩ Lê Vượng, Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Họa sĩ Đỗ Quang Em (thầy của anh) và có thể tiếp cận gần nhất là Họa sĩ Nguyễn Trung, để giải đáp thắc mắc mà anh nghi vấn bảo phải đính chính.

Nặc danh nói...

Trên bài viết có đoạn phỏng vấn của Sông Văn về Nguyễn Trung.
Xin cho con hỏi, Sông Văn là nhà báo ạh ?
Hiện có còn làm việc hay không ?

Nặc danh nói...

bác Nguyễn Quốc Tuấn đã rất chính xác khi nhắc đến HS Nguyễn Trung... !!! cảm ơn bác... !!!

Nặc danh nói...

Sao tôi không thấy tên của họa sĩ Nguyễn Đức Tiến trước cũng học trường Mỹ Thuật Gia Đinh. Bây giờ ông ở đâu và có còn hoạt động nghệ thuật không?

truongvegiadinh.blogspot.com nói...

Kính chào anh, Những tác giả được đăng lên trang do tôi phụ trách chủ biên được lựa chọn thật kỹ lưỡng theo tiêu chuận, thành đạt trong nghề nghiệp và có tranh tiêu biểu. Nếu có thể anh cho biết họa sĩ Nguyễn Đức Tiến, đã học Khóa năm nào của Trường vẽ, Tôi chỉ đăng những vị trước 1975. Chân thành cảm ơn Anh "Không biết tên".

Cao Đẳng Mỹ Thuật- Saìgon- VietNam nói...

Chào các bạn, cám ơn các nguồn thông tin để blog ngày càng hoàn thiện và chính xác.
Họa sĩ Phạm (Nguyễn?) Đức Tiến học cùng lớp với tôi (Nguyễn Trí Tuệ) và cùng ra trường chương trình nâng cao cấp 2. Lớp này, với trí nhớ của tôi có anh Nguyễn Vũ, Huỳnh văn Mười, Phạm (Nguyễn?) Đức Tiến và một số anh chị khác nữa... và chỉ có 7 người đủ tín chỉ hoàn tất lớp duy nhất cấp 2 này do sau 30-4-1975 mọi chương trình thay đổi.
Họa sĩ Phạm Đưc Tiến rời Sg từ 30-4-75...Thời gian 1976 có nghe tin tức đài VOA phỏng vấn trong một cuộc triển lãm của họa sĩ Tiến, và tin tức sau cùng lúc đó là cư trú ở tiểu bang Oklahoma...
Sẵn đây giới thiệu nhóm Facebook: "LƯU BÚT ĐỒNG MÔN TRƯỜNG Q.G. CAO ĐẲNG MỸ THUẬT-Sg theo đường liên kết để trao đổi và xem tranh:
https://www.facebook.com/groups/1444385522506367

Mến chào xây dựng và sáng tạo