Tôi nghĩ mình may mắn khi trở lại Pháp đúng dịp triển lãm còn mở cửa. Và gặp Loan...

Lịch sử suýt mai một

Là tôi đang nói đến triển lãm "Từ sông Hồng đến Cửu Long, những cách nhìn về Việt Nam" tại Bảo tàng Cernuschi từ 21.9.2012 đến 27.1.2013.

Triển lãm trưng bày hơn 70 hiện vật của 40 tác giả, phần lớn là tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng một số tác giả Pháp từng đến Việt Nam thời gian này như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, André Maire, Alix Aymé, Géo Michel…

Cuộc triển lãm - mà theo Thị trưởng Bertrand Delanoe "Cho chúng ta cái nhìn vừa cảm động vừa sắc sảo hiếm có về một nền văn hóa còn quá ít người biết đến" - thu hút hơn vạn người xem bởi tất cả là nguyên tác, trong đó có nhiều tác phẩm từ lâu bặt tăm, nay xuất hiện trở lại. Nhiều tranh đến từ các bộ sưu tập gia đình, như hai bức của họa sĩ Nam Sơn. Hay tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… mượn từ các bộ sưu tập tư nhân Pháp ở Paris. Nhiều bức vốn chỉ được biết qua ảnh chụp, nay được giới thiệu nguyên bản như hai bức tranh lụa "Lên đồng", "Thiếu nữ chải tóc" của Nguyễn Phan Chánh; bức "Thợ thêu" của Tô Ngọc Vân; tranh sơn dầu của Joseph Inguimberty vẽ phụ nữ Hà Nội…

Thật ra không phải tất cả tranh, tượng trong triển lãm đều tuyệt tác, nhưng đại biểu cho giai đoạn lịch sử quan trọng: Các trường mỹ nghệ thực hành được hình thành ở Đông Dương khá sớm, như Trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một năm 1901, Trường Nghệ thuật, Kỹ nghệ Biên Hòa 1903, Trường vẽ Gia Định 1913; nhưng chưa có trường chuyên mỹ thuật. Năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu có dịp đến Bắc bộ, đề xuất thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sự hợp tác khăng khít giữa Tardieu và đồ đệ Nam Sơn đã tạo ra thế hệ họa sĩ có phong cách sáng tác đặc thù. Những tác phẩm lụa, sơn dầu, sơn mài với kỹ thuật hòa giao Âu - Á đã đưa tên tuổi Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn… đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam và vang danh thế giới. Người xem, đặc biệt người Pháp hẳn lưu ý tác phẩm của các họa sĩ Pháp - những người từng đoạt giải thưởng Đông Dương rồi sang dạy ở Việt Nam. Riêng tác giả nữ Alix Aymé - người hướng dẫn học trò Việt Nam nghệ thuật trang trí của phương Tây và nghệ thuật thếp vàng của sơn mài Nhật Bản - luôn níu chân người xem bằng chiếc tủ sơn mài tuyệt đẹp.

Rung động nguyên bản

Tính nguyên bản, quý hiếm là giá trị của triển lãm. Một đoàn chuyên gia Nhật đã đến xem bức tranh lụa "Lên đồng" Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1931 - bức tranh được kỹ sư Pierre Massé mua tặng vợ. Do lời đồn có nhiều tranh Nguyễn Phan Chánh bị sao chép từ ảnh, nên giới hâm mộ muốn đến tận đây để xem tranh thật. Hay như bức tranh lụa ra trường "Người thợ may" của Nguyễn Văn Thịnh - bức họa mà nếu không có nó tên tuổi Nguyễn Văn Thịnh đã hoàn toàn mai danh.

Rất tiếc Nguyễn Gia Trí chỉ có một bức sơn mài nhỏ trong triển lãm, tuy nhiên nó chứa đựng chút tâm tình. Rằng cuối thập niên 40, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, may nhờ bạn là Nguyễn Duy Thanh giải thoát. Bức tranh "Cá chậu chim lồng" là để tri ân bạn, và được con cháu ông Thanh lưu giữ. Tính nguyên bản của triển lãm còn ở nội dung tác phẩm. Nếu tôi phải dừng mắt khá lâu trước bức tranh "Người đàn bà mặc áo dài đen" - hình ảnh khởi xướng kiểu áo ôm sát người - của Lê Phổ, hay bâng khuâng trước tượng đất nung "Thiếu nữ ngồi" của Vũ Cao Đàm, thì tôi phải bật cười bởi bức tranh mang tên "Lễ nơi Ngọ Môn" của Géo-Michel; trong đó, nơi tiền cảnh khuất mát, có anh lính ngả nghiêng nhìn cuộc lễ nghiêm trang!

Rõ ràng tác giả đã tinh nhạy chỉ ra cái thuộc tính xuề xòa, chểnh mảng - khi có dịp - khá phổ biến của người Việt. Không thật sự phong phú nhưng tính lịch sử, nguyên bản là cái duyên lôi kéo, khiến người xem để lại hàng trăm ghi chép nồng nhiệt, với lác đác câu kết thúc: "Cảm ơn Loan de Fontbrune".