Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Điêu khắc gia LÊ THÀNH NHƠN (1940 - 2002)

Giáo sư Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn - trước 1975 

SCULPTURE SYMBOL NEO-CLASSICALIST/
TRƯỜNG PHÁI ĐIÊU KHẮC KIỂU MẪU - TÂN CỔ ĐIỂN






  

Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Thủ Dầu Một, nằm ở phía đông Sài Gòn. Cha là Lê Văn Nguyện và mẹ Chung Thị Duyên, một người Việt gốc Chàm lai Trung Hoa. 

Lê Thành Nhơn say mê nghệ thuật từ nhỏ. Ông học trung học tại trường Mỹ Nghệ Thực hành Bình Dương, một trường chuyên về trang trí, thiết kế đồ gỗ, đồ gốm và đặc biệt là sơn mài, nguồn cung cấp nghệ nhân chủ yếu cho các trung tâm sơn mài nổi tiếng tại Việt Nam như Thành Lễ và Trần Hà. 

Sau đó, Lê Thành Nhơn thi đỗ vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1963, lúc đang còn là sinh viên, tượng của ông đã được tuyển chọn để tham dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Paris. Năm sau, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, cùng khoá với Đỗ Quang Em, một trong những người bạn thân nhất của ông.

Tốt nghiệp, ông về dạy học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương. Hai năm sau, tháng 3 năm 1966, ông bị động viên. Ông ở trong quân đội cả thảy bốn năm, đến tháng 6 năm 1970 thì được giải ngũ với cấp bậc thiếu uý, sau khi bị thương nhẹ trong một cuộc hành quân. (Nhẹ, nhưng chất chì trong viên đạn bắn vào người ông, đến giữa thập niên 90, vẫn còn làm độc, khiến ông phải nằm viện mấy tuần lễ!)

Ngay khi vừa phục viên, ông được mời làm giáo sư điêu khắc tại trường Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định, đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Mỹ Thuật Huế. Mấy năm sau, từ năm 1973, ông được mời giảng dạy tại trường Đại học cộng đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Mặc dù phải dạy học ở nhiều nơi như vậy, Lê Thành Nhơn vẫn dành nhiều thì giờ và tâm huyết cho công việc sáng tác. Các sáng tác của ông thời gian này phần nhiều có kích thước khá lớn, trong đó nổi bật nhất là bức tượng Quan Thế Âm bằng đồng tại trung tâm Liễu Quán ở Huế cũng như bức tượng Phan Bội Châu bằng đồng, cao đến 3,5 mét cũng tại Huế. Bằng cement thì có bức tượng Phật Thích Cahiện dựng tại trung tâm Phật học Huệ Nghiêm ở Phú Lâm, Sài Gòn, cao đến 4,5 mét; bức tượng Phan Thanh Giảng cao hơn 3 mét đã bị đập phá vào năm 1975, và bức tượng Thiếu Nữ Việt Nam cao 4 mét hiện còn trong tư gia người nhà của ông tại Sài Gòn.

Cuối tháng 4 năm 1975, gia đình Lê Thành Nhơn may mắn nằm trong danh sách những người đầu tiên thoát khỏi Việt Nam. Sau mấy tháng tạm trú ở đảo Guam, gia đình ông được định cư tại Úc vào tháng 9 cùng năm. Để mưu sinh, thoạt đầu Lê Thành Nhơn làm nghề sơn xe trong hãng xe hơi ToyOta; sau đó, ông đổi sang làm nghề bán vé xe điện trong suốt mười năm, từ 1976 đến 1986. Năm 1987, Lê Thành Nhơn được mời dạy kiến trúc tại đại học RMIT, Melbourne. Năm sau, nghỉ dạy, ông cùng một người bạn mở trung tâm Bình Dương Ceramic chuyên sản xuất các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Tác phẩm thì đẹp nhưng hoạt động thương mại rất mực èo uột, không mang lại lợi tức bao nhiêu. Đến năm 1996 thì ông nghỉ hẳn, chỉ ở nhà vẽ tranh.

Mấy chục năm định cư tại Úc, Lê Thành Nhơn sáng tác khá nhiều. Về điêu khắc, ông có một số tác phẩm được đúc đồng như tượng Dr Phillip Law hiện đang bày tại đại học Monash ở Melbourne và đại học Tasmania tại tiểu bang Tasmania, Úc; tượng Joy cao khoảng 2m5 hiện dựng trước sân trường đại học Monash (Caulfield campus), tượng “Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện bày tại Mekong Club tại Sydney, tượng Phật Thích Ca hiện bày tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc tại thủ đô Canberra, v.v... Về hội hoạ, Lê Thành Nhơn có khoảng vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như bức Yarra River dài 4 mét, bộ Tứ Đại gồm bốn bức (“Đất”, “Nước”, “Gió”, “Lửa”), mỗi bức cao 2 mét và dài 6 mét (riêng bức “Gió” dài đến 6,5 mét), v.v...

Sự nghiệp của Lê Thành Nhơn được đánh giá rất cao. Bức tượng Phan Bội Châu của ông được xem như một bộ phận trong quần thể di sản văn hoá cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tại Úc, Lê Thành Nhơn là một trong số ít nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc cũng như Viện Bảo Tàng Di Dân tại tiểu bang Victoria.

Vào đầu tháng 2 năm 2002, Lê Thành Nhơn bị bệnh, được chở vào bệnh viện, và được các bác sĩ cho biết là ông bị ung thư gan. Lê Thành Nhơn được chở về nhà, mỗi tuần một lần vào bệnh viện để được chữa bằng hoá liệu pháp (chemotherapy). Có lúc ông rất lạc quan, ngỡ có thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên đến cuối tháng 10 thì bệnh ông đột ngột trở nặng. Lê Thành Nhơn được chở vào Royal Melbourne Hospital vào trưa Thứ Sáu, 1.11.2002. Đến 4giờ30 chiều Thứ Hai, ngày 4 tháng 11, thì ông trút hơi thở cuối cùng.

Lê Thành Nhơn ra đi, để lại một vợ và bốn con. Tất cả các con ông đều đã trưởng thành, trong đó, người con trai thứ hai, Hưng Lê, là một danh hài của Úc.

(Nguyễn Hưng Quốc soạn dựa trên lời kể và một số tài liệu do Lê Thành Nhơn cung cấp)




LÝ DO TẠI SAO CÓ BÀI VIẾT HÔM NAY - Võ Kỳ Điền

Tình cờ đọc được bài viết cũ “Vài Kỷ Niệm Với Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn” đăng lại trong Bình Dương Xưa Và Nay, tôi thấy có nhiều bạn bè quen biết và môn sinh của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn rất thương yêu và quí  mến vị thầy tài năng và khả kính của mình khiến tôi xúc động và nhớ bạn.  Miên man nhớ vài kỷ niệm trong đời, lục lọi trong chồng thư cũ, may mắn còn thấy được bức thư bạn gởi cho ngày nào, chịu khó đánh máy lại y từng chữ, từng câu như một cuộc gặp gỡ hàn huyên ở vùng đất trái ngọt cây lành Bình Dương chúng tôi mấy chục năm về trước.

VÕ KỲ ĐIỀN . Brossard Quebec. 15 nov 2022

Melbourne 31- 8-1999

Võ Tấn Phước ơi,

Lê Thành Nhơn đây, nhận được thơ ông mừng lắm. Thật vậy, người xưa cũng như người nay đều thấy giống nhau. Đời như giấc chiêm bao. Tới lui trong cảnh trần hoàn như bụi hết. Ông cho mình thắp cây nhang lên bàn thờ hai Bác và anh Vinh.

Mình còn nhớ Lai Văn Sáng và Nguyễn Công Triệu. Vào khoảng 79 mình gặp Sáng bên Dinh Độc Lập vào hôm mình vào nhận huy chương vàng giải Văn Học Nghệ Thuật (bộ môn điêu khắc) từ dạo đó Sáng luôn sang chơi với mình có cả Triệu đến 75.  Lần cuối mình chia tay Sáng tại đảo Guam, ai đi đường nấy và khi nào ông có liên lạc với Sáng hay Triệu cho mình gởi lời thăm.

Đọc đường đời mình thường gặp gỡ anh em bạn bè cũ (thời Nguyễn Trãi). Ngộ thiệt, ai cũng bày tỏ thâm tình. Mình và Nguyễn Chí Thanh gần gũi trên 10 năm đi dạo ở Sài Gòn. Dạo 73 có gặp Lê Minh Đức thường. Chốn gặp bạn cũ nhiều là ở quân trường. Ngoài xã hội thì hiếm vì khác địa bàn.

Đời đẹp như bông thuở còn Trung Học. Hăm hở vào cuộc sống thì va trực tiếp vào hận thù, ganh tỵ, mặc cảm,vv... Cô cậu đương đầu với móng vuốt đến khi mặt mày, thân thể và tâm hồn rướm máu.  Ôi! Ê chề, cô cậu thèm sự êm đềm nhung lụa của thuở ấu thời. Tuy nhiên một vài người quơ hụt tay đánh vỡ kỷ niệm. Chuyện nầy rất riêng tư, ai có linh hồn nấy.

Lê Thành Nhơn, người nghệ sĩ. Có ai lạ đâu, nhứt là đối với Võ Tấn Phước và tất cả bằng hữu thời xa xưa. “Ông vẫn nghệ sĩ như thuở nào” Ấn tượng đầu tiên khi gặp lại sao bao nhiều năm xa cách. Nhơn vẫn vậy. Có phần mến hơn vì thấy giờ nầy Nhơn thực sự là một người nghệ sĩ y nguyên.

Y nguyên phần hồn và y nguyên trái tim. Từ thuở chưa ráo máu đầu, rất thiện nghệ, Nhơn đã liều lĩnh quàng dây cuộc chặt mãnh tình con siêu thực. Người tình nhân bé nhỏ mỹ miều không hề giảy dụa và im lặng một cách a tòng. Cứ thế, từng trang vở chờ để lật cuộc tình lặng im. Sự “im lặng” trào lòng còn  còn ngang một huyền niệm “Nguyện Cầu”. Chính huyền niệm “ Nguyện Cầu” “Im lặng” đã sinh ra Lê Thành Nhơn “ Thiên Kinh” “ Không Lời”. Nhơn tụng suốt đường hành hương, ông Võ Tấn Phước ạ!

Những công trình điêu khắc mỹ thuật đồ sộ của Nhơn trên mặt đắt giờ nầy là nhứng khối “Im Lặng” tình yêu mong manh xưa. Nàng Lê Thị Kim Anh* sẽ hài lòng vì thành tâm của mình đã được đất trời chứng giám.

- Pho tượng Phật Thích Ca, cao 4, 50m dựng trang nghiêm nơi Phật Học Viện Huệ Nghiêm thuộc Giáo Hội Phật Giáo tại Sài Gòn (1970)

- Tượng đồng cụ Phan Bội Châu nặng 10 tấn, cao (4,50m – 5m – 6m) tại Huế (1973) nay thuộc di sản thế giới Unesco.

- Tượng Phật bằng đồng cao 50cm thưộc Musée Nationale Canberra (1980)  

- Tượng đồng “Joy” (250 -250 -250cm) dựng trên khuông viên Monash University Melbourne (1990)

-Tượng đá trắng “Hương Đồng Cỏ Nội” (1970) tại villa số 10 đường Lê Ngô Cát - được dời về từ nhà số 101 Nguyễn Du Sài Gòn (1997) (cao 250 -250 -250 cm)

- Tượng “Đường Quá Dài” cao 2m50  Saigon Musée Nationale (1970)

- Số tượng đá trắng tạc tạp Paris vào năm 1993 -94 -95

- Những tác phẩm sơn dầu trong chiều kích lớn (2 - 6 m. Gió, Nước, Lửa, Đất -Chiều Xuống Trên South East Freeway, Ripple,vv... và nhiều tác phẩm nhỏ hơn.

Có những tác phẩm đã được triển lãm nhiều nơi trên các thành phố lớn của Ân Châu và Úc Châu như Paris, Cologne, Dusseldorf, Breman, Sydney, Melbourne...

Những đồ án Phật Giáo của mình thật kỳ vĩ.  Các tác phẩm Sinh -Lão- Bịnh -Tử đạt cả phần tạo hình cả phần linh. 10 cột trụ điêu khắc cuộc đời Đức Phật từ sơ sinh đến nhập Niết Bàn thật tuyệt mỹ.

Ngộ hết sức, mình có điêu khắc 5 cột chiều cao 3m. Trụ thì mang hình hài Mẹ Đất trên thân bà có hình người nữ.tu, mang giỏ cây Vô Ưu đi trồng.  -Có trẻ hát trên đồng -Có người đang quỳ nguyện cầu cho cây Vô Ưu mọc. Trụ khác thì được điêu khắc nhứng thảm nạn của con người trong thế kỷ 20. Phần 1 là thảm cảnh người Do Thái bị giết bằng hơi ngạt tại Auschwitz hay Zeakonb (?)

Phần 2, -người bị đập vở sọ chôn sống dưới chế độ Cộng Sản.

Phần 3 -Bom cầu lửa nguyên tử toàn triệt tại Hỉroshima

Phân 4 - Hãm hiếp chết trên biển.  

 Và các trụ khác mang đề tài khác như Sống Chết hoặc Dục Vọng vv...

Nhơn sẵn sàng cho một cuộc triển lãm ở tuổi 60 thật sự tròn trịa (mainstream) hoặc ở New York hoặc ở Âu Châu. Mình đang nhóng đi xuống miền Nam nước Pháp mùa Thu nầy. Chỉ lăm le mà chưa có gì xác quyết. Ngày nào mình sẽ mời tất cả các ông già, bà già gặp nhau bù khú.chơi nhân dịp triển lãm tại Huê Kỳ.

Tin ở Phước như thế nào -Mình tin hoàn toàn vì tâm của Phước lành. Cái lòng tốt thì làm cái gì cũng có kết quả. Phước là loại người chiến đấu và sẵn sàng đánh đổi, dĩ nhiên không phải bằng cầu nguyện và nước mắt. Vì Nhơn đã vào khung trời Nghệ Thuật với bầu nhiệt huyết với trái tim rất vững nên Lê Thành Nhơn chưa thấy cánh cửa. Dĩ nhiên không ai xét giấy thông hành ai trong bầu trời tuyệt đối “Văn Học Nghệ Thuật”tự do nầy.

-Sẽ tới Paris ngày 17-9-1999.       

                                                               Ký tên     Lê Thành Nhơn

*Lê Thị Kim Anh là cô bạn gái xinh đẹp học cùng lớp năm deuxième année, troisième année trường Nguyễn Trãi. Bình Dương.
        
                                                                
Câu chuyện bắt đầu do một bức ảnh bạn Hồ Đình Nghiêm đăng tải trên facebook

Hồ Đình Nghiêm :  -Trong một bài viết nhắc lại kỷ niệm về chốn cũ, nhà văn Võ Kỳ Điền có ôn lại hình bóng của thầy Thanh Tâm Tuyền, của bạn học thân thiết Lê Thành Nhơn... Sau khi đọc xong, mình có viết đôi dòng gần là một phản hồi, đại để: Thưa nhà văn, đã có một sự "tréo cẳng ngỗng" giữa đôi đàng, bởi vì với tôi, tôi xem nhà thơ Thanh Tâm Tuyền như một người anh, trong khi điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, rõ ràng là một người thầy, được mời từ Sài Gòn ra trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế phụ trách và giảng dạy môn điêu khắc vào năm 1974.

Sau cuộc trao đổi không lâu, nhà văn Võ Kỳ Điền đã làm một nghĩa cử đẹp, anh mang tặng mình tập thơ "Thơ Ở Đâu xa" có chữ ký của Thanh Tâm Tuyền cũng như tập sách in lại những tác phẩm điêu khắc của Lê Thành Nhơn. Nhà văn viết: "Trao gửi vào tủ sách của Hồ Đình Nghiêm"

Mình khoe lên đây chỉ với mục đích: Những đứa viết văn như mình vẫn thường đón nhận những niềm vui bất ngờ, những món quà ấm áp. Xin cảm ơn những dây mơ rễ má đã bày ra giữa đời, chúng có mục đích trói cột chúng ta lại, âm thầm, đằm thắm trong một thứ tình mà chỉ có chúng tôi mới cảm hết sự quý giá khi được trói chặt, gửi trao. Không phải botay.com mà sungsuong.com.

Võ Kỳ Điền : -Bạn hiền, anh xúc động khi thấy lại các hình ảnh nầy. Hai anh em mình cực kỳ may mắn mà còn được. Do một tình cờ muốn tặng Nghiêm vài kỷ niệm một thời gian dài quen thân nhau, nhờ vậy mà hai quyển sách quí nầy được Nghiêm giữ gìn lâu bền. Tháng 1-2018 tặng sách cho Nghiêm thì tháng 3 anh bị trọng bịnh và không bao giờ trở về căn nhà cũ ở Laval-des-Rapides nữa. Tất cả sách vở, tài liệu, phim ảnh... dành dụm cả đời bị quăng bỏ đi không thương tiếc. Nếu không có Nghiêm thì hai quyển nầy sẽ trong đống đổ nát và sẽ không bao giờ còn thấy được nữa rồi. Cũng là một duyên may. Mừng lắm...

*Câu chuyện bên lề quyển ảnh của Lê Thành Nhơn.

Tháng 7 năm 2002 từ Montréal tôi dọn nhà đến thành phố Vaughan (Woodbridge) ở Toronto sinh sống.  Bốn, năm tháng sau, tôi ngạc nhiên hết sức khi nhận được một bưu kiện là một quyển sách gởi từ Melbourne Úc Châu. Quyển sách đã lần lượt đi một đoạn đường trắc trở, vòng vo từ Úc đến Québec, rồi Montreal, rồi tới Ontario... một khoảng thời gian khá lâu vì tôi dọn nhà qua hai tỉnh khác nhau, vậy mà vẫn tới cái nơi mà nó phải tới. Ngày 4 tháng 11, năm 202 tôi cầm quyển ảnh trên tay người phát thư mà nhớ đến bạn, mừng và vui lắm, một công trình đồ sộ tim óc đời bạn đã được các bạn hữu bên Úc chung tay góp sức in ấn.  Và cũng đúng ngay buổi chiều hôm ấy, tôi nhận được điện thư của bạn Nguyễn Hưng Quốc báo hung tin, Lê Thành Nhơn vừa mất vì ung thư gan.... Cuốn sách ảnh vào buổi sáng và hung tin vào buổi chiều. Sao mà có sự trùng hợp lạ lùng vậy.  Định mệnh hay tình cờ.  Nghe mà sững sờ.  Rất nhớ thương bạn, một đời tài hoa.


Không có nhận xét nào: