Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Họa sĩ ĐỖ QUANG EM (1942 - 2021)

Giáo sư, Trường Cao đẳng Mỹ thuật SAIGON  - trước 1975

HYPERREALIST
TRƯỜNG PHÁI CỰC THỰC


Họa sĩ Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Tỉnh Ninh Thuận, 
tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định  năm 1965.
1966: Tham gia thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ tại Sài Gòn.
1971: Đoạt huy chương vàng giải Văn Học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
1972: Triển lãm chung với các thành viên trong Hội họa sĩ Trẻ.
1973-1974: Giảng dạy hội họa tại Trường Quốc Gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
1976: Ông vượt biên nhưng bị bắt, phải đi tù ba năm, 
         hơn mười năm sau mới được phép xuất ngoại thăm con ở Hoa Kỳ.
1991: Triển lãm chung "Tranh Sơn dầu và Lụa của bốn Họa sĩ" tại TP.HCM.
1993: Tham gia triển lãm: "New Space" của các họa sĩ Việt Nam và Singapore.
1994: Triển lãm "36 Tác Phẩm Mới", Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố HCM.

Đã từng có tranh trưng bày tại Galerie La Vong, Hồng Kông sau đây:
1993: "Opening Exhibition", "Celebration: Vietnamese Joie de Vivre".
1994: "The Work of Do Quang Em", "Buc Tranh: Three Generations of Vietnamese Painters", 
         "New Trends Art Fair", "First Anniversary Exhibition", Art Asia 1994, "keeping Cool II".
1995: "Fine Contemporary Vietnamese Art", "Art Trends Art Fair", "Second Anniversary Exhibition", 
         "Keeping Cool III", "Vietnamese Artists Gaining International Recognition", "Art Asia 1995", 
         "The best of Galerie La Vong".
1996: "Light and shadow: Polar Elements of Vietnamese paintings", 
         "Connections: Indigenous Influences On Contemporary Vietnamese paintings", 
         "Third Anniversary Exhibition", "Keeping Cool IV", 
         "Southern Styles: Paintings By Leading Saigon Artists".
Nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy cho rằng họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh theo lối Tân hiện thực, hay nói 
cho chính xác là cực thực (hyperréaliste): Tân-hiện-thực-Đỗ-Quang-Em.
Đỗ Quang Em là họa sĩ Việt Nam có tranh bán giá cao nhất ("Ấm và tách trà" giá 50.000 USD, 1995) 
tại Galerie La Vong, Hồng Kông. 
Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton từng nhắc tới: "... Tranh của Hoạ sĩ Đỗ Quang Em đã được giới thiệu 
tại nhiều triển lãm quốc tế... " trong dịp viếng thăm Việt Nam.










Đỗ Quang Em - Người Đặt Để Ánh Sáng Một Cách Quyền Uy

Đỗ Quang Em - Đinh Cường
vườn sau nhà Nguyễn Mạnh Hùng, Virginia 1995

Mượn lời Nguyễn Trung làm đề tựa, và ghi lại đây chút kỷ niệm cùng người bạn tôi quý mến . Để nói ông nghe nè … giọng miền Phan Rang của Đỗ Quang Em, hình như  khi nào cũng bắt đầu câu chuyên cùng nhau như vậy . Nhớ  một ngày mùa đông năm 1995, Đỗ Quang Em từ Sàigòn qua Los Angeles, California rồi qua Virginia thăm tôi, vẫn dáng điệu của những buổi sáng cà phê lề đường Đa Kao, những ngày lang thang cùng nhau Hà Nội, vẫn với chiếc mũ dạ xám, không chút hành trang, hai bàn tay trống trơn, hai bàn tay trong gió … Đỗ Quang Em chỉ ở lại một đêm , buổi chiều chúng tôi ra ngồi trên gốc cây gỗ mục ngoài vườn rộng, mừng gặp lại nhau, sáng hôm sau cùng người bạn lái xe đưa Đỗ Quang Em trở lại phi trường Newark, gần New York, trên xa lộ thênh thang êm đềm với rừng cây bạt ngàn xanh tươi hai bên, chúng tôi cùng nhắc lại vài câu chuyện cũ: cùng nhau đi mua cái ghế tre đan, căn nhà trong con hẻm Nguyễn Thiện Thuật một thời đã gỡ cánh cửa sắt đi bán, căn nhà một thời  trầm luân, sau khi chiếc ghe do chính người họa sĩ đóng, năm 1976 ra biển vượt biên bị lạc hướng phải tấp vào một bãi san hô … phải ngồi tù 3 năm. Chiếc bị mây, cây đèn dầu, cái lò đất nứt,  mấy que củi khô, ánh mắt người vợ nhìn ngây dại lạc thần được vẽ sau đó . Bức tranh nằm trong góc tối nhiều năm, bổng một hôm tôi lại được thấy treo trang trọng giữa phòng khách của một người sưu tập tranh ở gần nhà, tại Virginia cùng với mấy bức khác của Đỗ Quang Em. Vẫn nồng ấm một màu nâu được chuốt thật mịn mặt phẳng tranh, vẫn ánh sáng rất quý từ khuôn mặt, nếp áo, đồ vật, nhưng trên hết là bố cục, một bố cục mới và bạo, cho thấy tinh thần bức tranh hoàn toàn hiện đại so với không khí tranh cổ điển của sáng và tối, cũng một màu nâu, đỏ đậm đặc tuyệt vời thời Phục Hưng với Rembrandt, Vemeer…hay Ludovic Carrache.  


Vợ tôi và tôi , 1989
80 x100 cm

Đỗ Quang Em chỉ vẽ vợ, con ( sau này), cũng như Andrew Wyeth chỉ vẽ cô hàng xóm Helga Testorf ở Pennsylvania, miền đông bắc Hoa Kỳ, cũng như Egon Schiele, một họa sĩ tài hoa chết trẻ của nước Áo, thời gian đầu vì nghèo, đi đâu cũng kéo theo cái gương lớn, tự soi mình để vẽ .Tự vẽ chính mình, khốc liệt và đầy cuồng nộ, say đắm .Những chân dung tự họa ấy vẫn có một sức thu hút mãnh liệt, cũng như những tranh chân dung tự họa mịt mùng sâu thẳm của Đỗ Quang Em những năm gần đây. Cho nên, con người, đồ vật cũng chỉ là cái cớ, như anh đã nói “… quan trọng nhất là cốt lõi của sự vật - điều kiện bên ngoài chỉ là cái cớ, cái chất xúc tác thôi .Làm hết được cái bình thường nhất không phải là chuyện nhỏ đâu.Trong nghệ thuật không nhất thiết đòi hỏi sự cao siêu, triết lý này nọ, vấn đề là mình có đắm chìm trong sự im lặng của sáng tạo hay không…” ( Thế giới tranh Đỗ Quang Em - Niềm Hạnh Phúc Im Lặng - Phạm Chu sa, Thanh Niên Chủ Nhật số 80, 19-5-1996 ) Thật vậy, sự chín chắn  tài hoa toát ra từ chính bức tranh, ở sự gởi gấm thầm kín của họa sĩ, mà nghĩ cho cùng cũng chỉ là sự phong thần nỗi cô độc. Thế nên, khi Đỗ Quang Em ngồi trước tấm toile trắng, cảm dần ra tiếng nói của tiềm thức, loang ra từ tịch lặng, chút ánh sáng quý hiếm soi rọi lạ lùng kia, cho dù là cái ấm đất, những củ đậu, những chiếc ly thuỷ tinh, chén nước cặn, cành cây khô, những viên gạch đỏ, con chim giấy xếp -nhớ đến niềm say mê mài miệt thánh thiện trong nghệ thuật origami của Đinh Trường Giang -đến chiếc ghế tre, cây đàn tỳ bà, chiếc khăn choàng đầu của vợ, hay vòng ngọc xanh chiếc áo gấm đỏ ngày cưới của con gái đầu lòng, chỉ để Đỗ Quang Em sống trọn vẹn tâm hồn mình và tình cảm sâu lắng nhất cho những người thân yêu, cho nghệ thuật…cũng có thể ta bắt gặp ở đó cái không gian mênh mông màu nâu đen ”Đó là một không khí thâm u của một hiện tại như được ông làm cho lùi xa vào một quá khứ xa lắc, dồn nó vào góc tối sâu thẳm của thời gian và tất cả đều trở nên sinh động nhờ một nguồn ánh sáng mà ông đặt để một cách quyền uy …( Đỗ Quang Em – Ánh Sáng  và Trang Nghiêm, trích bài viết của Nguyễn Trung cho tập sách ĐQE chưa in ) . Để cho những đồ vật tầm thường nhất có sức mê hoặc người thuởng ngọan, qua mấy ngón tay run nhưng rất chính xác của anh, hay nói như Võ Đình:
’’ Tôi trân trọng bởi lẽ cái thang tre, cây đèn dầu, những viên gạch được Đỗ Quang Em vẽ ra thật tỉ mỉ, thật “thật”, nhưng sự “thật” này không đánh lừa ta, không quyến rũ ta vì cái đặc dị của đề tài, cái tài tình của kỹ thuật, cái tinh vi của bút pháp. Họa phẩm thu hút ta vì một sự có mặt tự tại. Một sự có mặt mầu nhiệm. Đúng thế, có thể nói, nói mà không ngại là đại ngôn: hình thể trong tranh Đỗ Quang Em, người cũng như vật, biểu hiện sự mầu nhiệm của hiện hữu …” ( Trường hợp Đỗ Quang Em , tạp chí Hợp Lưu số 28 tháng 5 và 6 năm 1966 )

Từ triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1973 Đỗ Quang Em được nhớ nhiều với bức     “Tăng” vẽ Nguyễn Hữu Hiệu lúc ấy là Thích Chơn Pháp ở Đại Học Vạn Hạnh, hiện nay  ông đang ở Manassas, Virginia…cho đến những năm 1980,1990  tranh Đỗ Quang Em được sự chú ý đặc biệt trong các cuộc bày tranh chung cùng bạn bè ( Đinh Cường - Đỗ Quang Em - Trịnh Công Sơn , 14 -1 đến 24-1-1989, Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc , TPHCM và Trịnh Cung -  Đỗ Quang Em -Trịnh Công Sơn – Tôn Thất Văn tại Hội Giao Lưu Văn Hoá Việt Nhật, tháng 9.1991 tại The Floating Hotel ,TPHCM )  nhất là tại Galerie Lã Vọng ở Hong Kong  do các bà Shirley S. Hui và Judith Hughes Day điều hành, từ năm 1993 đến 1996, đã giới thiệu tranh Đỗ Quang Em một cách trang trọng đặc biệt cùng với tập sách  in đẹp .Tranh Đỗ Quang Em còn tham dự  triển lãm An Ocean Apart năm 1995, một cuộc triển lãm thú vị cho các họa sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước  do Smithsonian Institution Traveling  bảo trợ, được trưng bày tại bảo tàng các thành phố lớn nước  Mỹ . Trên The New York Times số ra ngày 29-11-1994 đã đăng tin một bức tranh của anh bán với giá rất cao , đó là bức “ Tôi và vợ tôi “ vẽ năm 1989, rất hiện thực mà cũng rất siêu thực có chút nào không khí tranh Salvador Dali, họa sĩ mà anh ưa thích.

Huỳnh Hữu Uỷ thì cho rằng :… “Đó là nghệ thuật của các nhà tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực, hypperréaliste, gần gũi với nhiếp ảnh nhưng hoàn toàn khác xa nhiếp ảnh, chỉ cách nhau một đường tơ nhưng là hai thế giới ngoài nhau hoàn toàn. Đối vật trong tranh Đỗ Quang Em hiện ra rất thực nhưng luôn luôn là bí mật, tạo nên một vẻ gì hư ảo vượt ra bên ngoài thực tại, dễ gây nên cảm giác về một điều gì đó rất quạnh hiu nhưng là một thứ quạnh hiu bất tử.” ( Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại , trang 182, VAALA – California 2008 ) .Cũng nên ghi nhớ, Đỗ Quang Em đã được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng về nhiếp ảnh tại Phan Rang, còn tiếp nối cho đến nay bởi cô con gái anh: nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc Trâm. Anh và chị Thanh Nhàn vợ và cũng là người mẫu tuyệt vời nhất có ba gái một trai đã trưởng thành, đều ở Los Angeles- California.

Phan Rang, nơi người họa sĩ lớn lên, rong chơi một thời trẻ dại, có bóng ma Hời, có sân ga Mường Mán, tôi cứ nghĩ lan man thêm như vương vất một hồn Chàm ( khi xem bức tranh xưa nhất của Đỗ Quang Em trong bộ sưu tập của ông bà John T. Bennett- Marinka tại Alexandria, Virginia vẽ người phụ nữ Chàm đội chiếc hũ với áo dài xanh huyền diệu  tương tự bức chân dung Xuân tên gọi của Đỗ thị Liệu em gái anh, vẽ năm 1971, trước khi cô qua định cư tại Úc ). Đó là một tâm hồn lạ. Đỗ Quang Em cũng thật khắt khe và có quy luật trước đời sống, cho nên tranh anh được nhận ra bằng trái tim của một ẩn dụ không lời. Cuối cùng, Đỗ Quang Em đã vượt lên cái tân-hiện -thực mà nhiều người đã nghĩ. Bởi vì, tham vọng của họa sĩ là vẽ về thực tại như thực tại, nhưng thực tại cũng có thể là ảo tưởng của thực tại. “Kh ông có gì thực hơn cái không thực “ ( Nothing is more real than nothing ) như nhận định chí lý của Samuel Beckett về nghệ thuật . Cho nên tranh của bạn tôi, Đỗ Quang Em rất thực mà không thực. Là Hư Vô. Không Tánh .
Virginia, 12 Nov. 2011

Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận
Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định 1965
Nguyên giảng viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định
Giải Văn Học Nghệ Thuật Tổng Thống 1971

Tác phẩm hội họa:

Chân dung Xuân -  86 x 66 cm 1971
Tăng - 80x100 cm 1971 
Tỳ Bà, 63x76 cm 1989
Đỗ Quang Em 1942 Ngựa giấy sơn dầu 2 60x50cm 1990 Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM
Vợ tôi - 100 x 84 cm 1991
Chim xếp giấy - 78x67 cm 1992
Áo cưới - 86x99 cm 1993
Bùa hộ mệnh , 85 x 100 cm
Chân dung tự họa - sơn dầu trên bố - 66 x 77 cm, 2007
 Ty Bà with wine jug by Do Quang Em
 Tĩnh vật của họa sĩ Đỗ Quang Em
 Wine Jug by Do Quang Em
Đỗ Quang Em - Cái bát đỏ
Đỗ Quang Em (1942), Still life, 2006. Estimate 50,000 — 70,000 HKD (5,694 - 7,972 EUR). Photo Sotheby's














Nguyễn Quốc Tuấn (tư liệu - ảnh lấy từ internet)

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trước đay khi còn ở Việt Nam tôi thấy tranh Đổ Quang Em rất tuyệt vời ; từ ngày sống bên pháp tôi thấy tranh cua Đ Q Em không đẹp nũa thấy khô khan nhàm chán,

Nặc danh nói...

Xin lỗi bạn sang Pháp làm nghề gì thế .....??? Công nhận quét rác ? Thợ móc cống ? Tôi không bênh Đỗ Quang Em, đây cũng là lần đầu tiên tôi tìm hiểu về ông nhưng tôi thấy trân trọng tất cả những bức họa của ông cũng như của những họa sĩ khác. Một bức họa cũng như 1 cô gái mà không có cô gái xấu bạn ạ. Nghệ thuật nào có công chúng ấy. Có lẽ bạn chỉ quen nhìn những gì đen tối, rơ bẩn
Đôi lời thật lòng mong bạn đừng giận

Nặc danh nói...

Anh bạn nào đó cảm thấy hết thích tranh của Ông EM là quyền của họ , vì có thể ông ta sang Pháp nhìn cao thấy rộng hơn nên cái tính đẹp cũng khác đi . Ngược lại ông bạn nào đó trong miệng toàn rác rưới nên nói ra toàn rác rưới bẩn thiểu khiếm nhã ông bạn có tu cách gì bắt buộc người khác phải cảm nhận vẻ đẹp như mình ??? sao hẹp hòi qúa vậy !

Nặc danh nói...

Lol ur all gay and ur moms gay