Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Họa sĩ ĐẶNG HOÀI NAM (1930 - 2020)

- Học trường Mỹ nghệ Gia Định 1947, Thời Thầy Hiệu Trưởng LƯU ĐÌNH KHẢI

ABSTRACT - EXPRESSIONIST
TRƯỜNG PHÁI BIỂU HIỆN - TRƯU TƯỢNG

 

- Sinh năm 1930 tại Battambang - Kampuchea
- Hiện ở Trung tâm Dưỡng lão Nghệ sĩ, Q. 8 TPHCM.
- mất 07/01/2020 (13 tháng Chạp, năm Kỷ Hợi 2019)
- Sở trường vẽ tranh bột màu và sơn dầu theo khuynh hướng Biểu tự (Scrips 
  Expression style) và Trừu tượng (Abstract style)
- Ảnh hưởng lớn của Họa sĩ Jackson Pollock (1912-1956) Danh họa của Mỹ. 
- Đoạt GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC TOÀN QUỐC Oct. 26, 1962 Thời ĐỆ NHẤT VNCH. 
  về Hội Họa, thời ấy có nhiều họa sĩ ganh ghét dìm tài năng của ông không cho vô 
  Hội Mỹ Thuật vì lý do theo Tây.
- Những tác phẩm thiết kế nghệ thuật nổi tiếng: Xa lộ không đèn, Bàn thờ Tổ của cô  
  đào, Nghêu sò ốc hến, Hồi chuông thiên mụ, San hậu...




BẾN LỠ.
Đoàn cải lương Thanh Minh lưu diễn Lâm Đồng mấy ngày thì chú tư Mây với mấy nghệ sĩ nhạc sỹ kéo nhau vô rừng. Cha tôi biết mọi chuyện đã lộ vì chú tư Mây nôn nóng nên cha tôi bỏ đoàn về mở trại mộc đường TQT giờ 3 tháng 2  góc trường đua Phú Thọ đối diện tòa án quân sự truyền nghề cho mấy anh con cô tôi với mấy cậu em má tôi. Tôi được giao cho chú hs Hoài Nam học thêm nghề thiết kế sân khấu với ông chú lắm tài nhiều tật lại bất cần đời. Căn nhà sát rạch nước cầu Mới cách rạp Cao Đồng Hưng không xa nên có thể thuận lợi cho chú ấy và cho tôi chuẩn bị thi vào trường vẽ Gia Định. Chú Hoài Nam là chân đi giao tôi những gì chú ấy nhận rồi phác thảo rồi hào hứng bắt tay vô làm rồi mông lung nghĩ gì có trời biết chú ấy nghĩ gì. Rồi bất ngờ đi đâu cũng chỉ có trời mà biết nên nhiều lần chú ấy không kết thúc công việc đúng hẹn khiến các ông bầu gánh chủ snackbar đến tìm chú ấy dài dài. 
Không học chú Hoài Nam theo cách trường lớp thậm chí lần đầu thi vào trường vẽ tôi rớt còn mất chiếc velo solex 7.000 đồng hồi đó. Nhưng nhờ tiếp cận hậu đài nhiều cũng coi như chú Hoài Nam là thầy dạy tôi ngành thiết kế sân khấu phòng trà ca nhạc cũng không sai. Có lẽ thi rớt trường vẽ bởi tính con nít chủ quan chứ vốn liếng kiến thức hội họa chú Hoài Nam cho tôi lúc đó cũng vượt tuổi tôi nhiều rồi. Chú cháu ngó nhau cười rồi chú ấy an ủi Đ  thi rớt bởi chưa đủ hỏa hậu theo kiểu nói mấy chuyện võ hiệp chú ấy đang dịch và bàn thêm cho các tờ nhựt trình kiếm tiền nhuận bút.
Chú đi đường chú cháu một thân một mình thủ trại nhiều tối vắng buồn thiu buồn iểu chỉ còn cách đi lang thang ra rạp CĐH rồi lần xuống chợ Bà Chiểu dài dài xuống cầu Sắt lúc đó nước sông cầu Bông còn trong sạch lắm. Rồi mấy chị lần lượt ghé tìm anh Hoài Nam có vẻ kính nể tài nghệ chú Hoài Nam vừa biết chú ấy coi rẻ tiền bạc tuy chú ấy kiếm tiền không khó nên lần hồi tôi là cầu nối các chị với chú Hoài Nam và chú ấy với các chị. Chú Hoài Nam cái gì cũng rành nên chấm tử vi cho tôi có sao Hồng Loan phò trợ tôi hơi nghi nghi chú ấy  bày kế cầm chân tôi để làm liên lạc viên với mấy chị đẹp sau nầy bác Luật người Huế chấm tử vi tôi cũng y vậy nên tôi tin chú Hoài Nam không trác tôi.
Chị đẹp nào cũng nghĩ tôi cháu ruột chú Hoài Nam nên gọi tôi em trai rồi lần hồi trai yêu trai cưng chắc chắn không nhờ tôi đẹp trai nhưng có lẽ ánh mắt nhìn chăm chú đến ngây ngốc các thần nữ chói loa sân khấu ban đêm ban ngày ghé xóm nghèo mộc mạc không khác gì người trần gian. Khi thân thiết các chị đều vừa khuyên bảo vừa thì thầm ta thán: chị em mình chọn Bến Lỡ rồi đó trai yêu biết sao được cái nghiệp mà đó là khi tôi bỏ học trường vẽ theo hẳn nghề sân khấu. Cũng là khi các chị cũng biết tôi nghỉ học bắt đầu vấn thân ngành hát xướng với bản thân văn nửa chừng vẽ nửa vời. Theo tôi nhận xét chú Hoài Nam rồi sau 1975 đến chú Đỗ Ngọc đều tỏ ý thất vọng ngành sân khấu nhưng lại luôn tìm mọi thuận lợi cho tôi theo ngành thiết kế sân khấu chứ không như anh Phan Phan sau nầy hết lòng với sân khấu.
Mấy chị đã có tiếng đã được nhiều ký giả sân khấu viết nhiều bài khen ngợi nhưng vẫn chưa được chính cha mẹ và người thân trọng lễ nghĩa công nhận thật là buồn. Nhiều lần đang ca chị ngưng ngang rồi khóc nhưng dặn tôi không được khóc nước mắt đàn ông hiếm lắm trai cưng à. Rồi chị bật cười lại nói tôi không được cười chị ấy đúng là mấy chị đẹp của tôi điên điên sao á nhưng tôi rất yêu kính các chị. Chắc tại tôi không có chị gái lớn như vậy chỉ dạy an ủi dịu dàng và cả trêu chọc rồi răn đe khi tôi nản chí bỏ việc đi lang thang. Mối tình đầu tôi thất bại với cô bạn gái sáng nào cũng chung chuyến xe mà nàng học trường Pháp còn tôi lem luốt bề ngoài vụng giề biểu lộ cảm xúc. Các chị về phe tôi tố khổ nàng không tiếc lời dù chưa khi nào gặp mặt mối tình đầu chung xe bus mỗi 5 giờ rưỡi sáng ở trạm bus đường Nguyễn Tri Phương. Chính miệng các chị buộc tôi chê con gái nào là ngu dốt nào là không biết nhìn thực tài của tôi ôi thôi đủ thứ để tôi quay lại nơi mà các chị còn phải gọi đó là Bến Lỡ. 
Rồi những tháng năm hứng khởi lao hết tâm lực vào nơi các chú các anh chị mà mọi người đều biết đó là một Bến Lỡ đã lỡ bước vào thì cứ theo duyên nghiệp cho đến tàn hơi mòn sức. Tôi không cưỡng lại vì chú Hoài Nam các chị các anh cũng không có chút gì muốn cưỡng lại. Cuộc đời một chú nhóc mơ mộng trong một thời thế không cho mơ mộng bay cao bay xa tôi lại nhập theo một thứ Bến Lỡ khác khắc nghiệt và nguy nan rất thực chứ không như sân khấu sau màn cuối rồi màn nhung khép lại.
Khi em quay về Bến Lỡ là bến cũ các chị cứ lần lượt ra đi các chị dặn em đừng khóc nhờ em lúc nào cũng có sao Hồng Loan phò trợ mà. Ừ ừ em không khóc các chị đi yên vui. Em không khóc ừ em không khóc.

Ngọc Điệp.


Nguyễn Quốc Tuấn (tư liệu - ảnh)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sư phụ Hoài Nam dạy nghề tuyệt vời. Chú đứng sau lưng nhắc tuồng thì Đ vẽ giống chú, mà chắc chắn Đ vẽ không bằng chú vẽ, thôi chú có chuyện đi rồi. Tuần sau sp dìa thì ván đóng hòm rổi. Coi cũng được mình đi giao cho nó cho nó hết hối thúc hoài.