IMPRESSIONIST/ TRƯỜNG PHÁI ẤN TƯỢNG
Nguồn: Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Mã Thanh Cao về Đặng Kim Long, một họa sĩ mê vẽ từ nhỏ, cả đời làm nghệ thuật (Tựa đề và các tít phụ do chúng tôi đặt).
Họa sĩ Đặng Kim Long: Từ cậu bé bán cá đến cây đại thụ trong làng hội họa
Hơn 40 năm làm nghệ thuật, họa sĩ Đặng Kim Long bằng tài năng thiên bẩm đã giới thiệu đến công chúng hàng ngàn bức tranh bằng nhiều chất liệu, trường phái và thể loại khác nhau.
Người họa sĩ tài năng
Sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, họa sĩ Đặng Kim Long (trú tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) đã mang trong mình cái máu của người nghệ sĩ vẽ tranh. Ông yêu thích vẽ và tìm tòi nó với tất cả đam mê của mình.
Ông kể, ngày xưa ông vốn là một cậu bé bán cá ở chợ Bà Chiểu, trên người lúc nào cũng tanh hôi mùi cá. Ông rất được lòng những khách hàng mua cá và cả bà con trong chợ vì khả năng cắt cá rất khéo của mình. Chỉ bằng 2 nhát dao bén ngọt, ông đã cắt gọn gàng con cá còn sống, chính vì thế người ta gọi ông là “cậu bé lạng cá 2 dao”, quên cả cái tên thật Đặng Kim Long.
Con đường đến với tranh vẽ của ông cũng đặc biệt như chính biệt danh thời thơ bé. Nhớ về những ngày xa xôi trước đây, ông nhắc nhiều nhất về người thầy tên Tuấn, vốn là một sinh viên ở nhà đối diện.
“Mỗi lần thấy anh Tuấn say sưa ngồi vẽ là tôi nhìn theo rồi học. Sau đó nhặt lại những mẩu giấy thừa, tìm lại những tờ giấy vẽ phác thảo đã bị vứt vào sọt rác để học theo”, ông nói.
Sau này, trong lần tình cờ ghé qua nhà ông chơi, ông Tuấn nhìn thấy một bức họa giống bức họa mình đã vẽ. Khi biết bức tranh ấy do ông Long nhìn trộm rồi chép màu lên tờ giấy phác thảo nhặt được trong thùng rác, ông Tuấn ngạc nhiên và cảm phục vì tài năng của cậu bé hàng xóm.
Biết ông Long cũng ham thích vẽ tranh, ông Tuấn quyết định dạy cho đứa trẻ nghèo nhưng ham học, đam mê với tranh tất cả những gì mình biết. Sau này, chiến tranh xảy ra liên miên, 2 người lưu lạc, sau bao năm không còn gặp lại dù ông Long đã cố công tìm kiếm.
Ông tâm sự: “Chiến tranh, loạn lạc rồi đói khổ nên trên vai mình lúc nào cũng có gánh nặng mưu sinh, nhưng mà trong lòng thì không thể bỏ tranh và bỏ vẽ được”.
Năm 1968, ông thi vào Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Tại đây, bằng niềm say mê với tranh vẽ, ông đã theo học tất cả các trường phái và thể loại khác nhau. Chính cái nôi của trường mỹ thuật Gia Định đã hình thành nền tảng kiến thức sâu rộng cho người họa sĩ tài năng, toàn diện này.
Ông tâm sự, nhiều đêm, ông ngồi trước khung tranh với bút mực hay đống sơn dầu bóp méo ngổn ngang để định hình trường phái của riêng mình. Ông cứ vẽ rồi xóa không biết bao nhiêu lần, trong lòng ngổn ngang đầy hổ thẹn.
Có lúc tự đặt ra câu hỏi: Nên chọn theo con đường nào? Trong ông cứ nặng nề, suy nghĩ để chọn cho mình một hướng đi. Nhưng rồi bằng khả năng thiên bẩm của 1 họa sĩ tài năng, ông thông thạo đủ các trường phái, thể loại. Tuy nhiên, thế mạnh của ông phải kể đến vẽ chân dung. Tất cả các bức chân dung do ông vẽ đều toát lên cái hồn riêng, mỗi khuôn mặt trong tranh đều mang những nét độc đáo khó tả.
Người họa sĩ thích làm việc thiện
Người ta ngưỡng mộ ông không chỉ là một họa sĩ tài giỏi, tài năng mà còn vì tấm lòng của ông đến những hoàn cảnh khó khăn.
Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, nên ông hiểu được những tủi hờn do cái nghèo đem đến. Giờ đây khi đã là một cây cao bóng cả trong làng hội họa Việt Nam, tán rộng đến tận Châu Úc, đạt được những giải thưởng quốc tế về hội họa, ông vẫn giữ những ký ức thời thơ dại. Để rồi khi có cơ hội ông lại đi làm từ thiện ở khắp mọi miền.
“Ngày xưa tôi và một số người bạn tổ chức thành nhóm vẽ tranh để bán, số tiền thu được từ những buổi đó chúng tôi lập thành quỹ để giúp đỡ những đứa trẻ phải mổ vì bị hở hàm ếch”, họa sĩ Kim Long cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều đứa trẻ đã được nở nụ cười tươi đẹp với đời nhờ tấm lòng từ nhóm của ông.
Ngoài ra, ông cùng từng các họa sĩ như Trần Văn Năm, Văn Y, Nguyễn Hồng Sơn; và các nhà nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn, Trần Việt, Tạ Văn Mãnh, Lê Kiểm, Phó Bá Cường tham gia những buổi triển lãm cho nạn nhân chất độc màu da cam.
Triển lãm này do Hội Mỹ thuật TP.HCM phối hợp với Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh tổ chức, có chủ đề “Khát vọng sống”. Tại đây, nhóm ông đã trình bày 34 bức tranh và 35 bức ảnh tự sáng tác, sau nhiều lần đi thực tế.
Không chỉ dành thời gian và tâm huyết cho các nhóm từ thiện, ông còn là người có tình thương rất lớn đối với trẻ con. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng ông vẫn thường đứng lớp để ươm mầm cho đam mê của những đứa trẻ mê tranh.
Không học nghiệp vụ sư phạm, không tuân theo một giáo trình hay khuôn khổ nào, nhưng mỗi tiết dạy của ông giáo già là một lần gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ đam mê cầm bút tô lên trang giấy.
“Tôi dạy bọn trẻ đam mê từ cái nhỏ, như chính cách ngày xưa tôi học được từ anh Tuấn”, ông nói trong niềm tự hào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét